kiến thức y khoa

Biến thể Omicron: Nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2, triệu chứng ra sao?
[ Cập nhật vào ngày (07/12/2021) ]

Biến thể Omicron được WHO xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại, đã ghi nhận tại hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều nước gấp rút áp lệnh hạn chế đi lại để ứng phó với biến thể mới này.


1. Biến thể Omicron phát hiện ở đâu?

Biến thể mới Omicron chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp hôm 26/11 (theo giờ Việt Nam).

Ban đầu nó được gọi là B.1.1.529, lần đầu được phát hiện qua thu thập mẫu xét nghiệm tại Nam Phi vào ngày 9/11, được báo cáo lần đầu cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11.

WHO cũng phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại", đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này.

Theo hãng tin CNN (Mỹ), một số nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi vốn có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp.

2. Biến thể Omicron nguy hiểm ra sao?

Bản thông báo của Bộ Y tế Việt Nam ngày 28/11, cho hay: Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai (thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể), là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2.

"Biến thể này được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Theo đó, Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta" - theo thông báo của Bộ Y tế.

Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đến nay, Omicron được coi là biến thể tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính ưu việt của các đột biến đó.

Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Anh, cho biết số sinh sản hiệu quả R của biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, là 2 - mức độ lây truyền chưa từng được ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng nổ. Với con số lây truyền lớn hơn 1, dịch bệnh sẽ phát triển theo cấp số nhân; các nhà khoa học mô tả Omicron là biến thể "tồi tệ nhất" kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.

Ngày 28/11, WHO cho biết vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron có dễ lây truyền hơn so với các biến thể khác hay không hoặc biến thể mới này có khiến bệnh nặng hơn hay không.

Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ số ca nhập viện ở Nam Phi gia tăng, nhưng điều này có thể là do số người nhiễm bệnh tăng, không phải là do nhiễm riêng biến thể Omicron". Tuy nhiên, WHO nhắc lại rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này có thể cao hơn. Hiện WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với các biện pháp ứng phó COVID-19 hiện nay, bao gồm cả tiêm vaccine.

Theo WHO, "cần vài ngày đến vài tuần mới biết được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron".

3. Triệu chứng điển hình

Phát biểu với Telegraph, bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA), cho biết những bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron xuất hiện các triệu chứng rất khác nhưng đều ở thể nhẹ. Bác sĩ này được cho là người đầu tiên xác định sự tồn tại của biến thể Omicron.

Hầu hết bệnh nhân mà bà Coetzee điều trị đều cảm thấy "rất mệt mỏi". Không có bệnh nhân nào trong số này bị mất vị giác hoặc khứu giác.

"Triệu chứng của họ rất bất thường nhưng nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị", bác sĩ Coetzee nói.

Bác sỹ Angelique Coetzee đã tiếp nhận 20 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là nam giới trẻ. Một nửa trong số này chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19. Bà cho biết, bệnh nhân có thể đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc 2 ngày, hoặc có thể ho nhẹ.

Nữ bác sĩ có 30 năm hành nghề cho biết, tất cả bệnh nhân của bà (có bé gái mới 6 tuổi) đều rất khỏe mạnh nhưng vẫn lo ngại về việc những bệnh nhân lớn tuổi hoặc không được tiêm phòng có thể bị virus tấn công nghiêm trọng hơn, đặc biệt là người có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc tim mạch. "Điều chúng tôi lo ngại là khi 2 nhóm này nhiễm biến thể mới. Chúng ta có thể chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh nặng".

4. Những quốc gia nào đã ghi nhận

Kể từ khi được báo cáo lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm biến thể Omicron khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Hiện biến thể Omicron đã xuất hiện ở Australia, Italy, Hà Lan, Pháp, Canada, Đức...

Tại Việt Nam, Bộ Y tế tối 28/11 cho biết giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2 tại nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến thể Omicron.

5. Việt Nam chủ động ứng phó

Việt Nam dù chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 biến thể Omicron nào, nhưng Bộ Y tế đã chủ động báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam đang chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới. Hệ thống giám sát dịch đã tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thể mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

 




Nguồn: Bộ Y tế




Text/HTML

Thông báo


Tìm kiếm

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO