kiến thức y khoa

Rối loạn đường huyết trong thai kỳ ảnh hưởng lên mẹ và thai nhi
[ Cập nhật vào ngày (16/11/2021) ]


1. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với mẹ

Các biến chứng thai kỳ thường gặp như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh...

Khó sinh: Đường trong máu của mẹ sẽ truyền sang bé, làm tuyến tụy của bé hoạt động nhiều hơn bình thường để sản xuất thêm insulin. Điều này dẫn đến phân thân trên của bé – vai phát triển nhanh trong thai kỳ. Một số trường hợp có thể gây gãy xương do vai rộng hoặc tổn thương não trong quá trình sinh nở.

Sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối gây nguy hiểm đến mẹ và bé.

2. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với thai nhi

Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Sau sinh, tuyến tụy của bé vẫn tiếp tục sản xuất tiếp insulin để đáp ứng lượng đường dư thừa trước đây. Do đó, lượng đường trong máu của bé sẽ xuống thấp gây nên tình trạng hạ đường huyết. Một số trường hợp gây ra tình trạng co giật dẫn đến hôn mê và tổn thương não nếu bé không được kiểm tra và phát hiện kịp thời.

Thai nhi có nguy cơ dị tật hoặc tử vong, chậm phát triển, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi.

Béo phì: Nếu mẹ bị thừa cân và đái tháo đường trước khi mang thai, em bé sinh ra có nguy cơ thừa cân gấp 3,5 lần so với những bé khác.

Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: hội chứng suy hô hấp xảy ra vì em bé có thể bị sinh non khi phổi chưa phát triển đầy đủ.

Thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch...

Bé cũng dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh.

2. Điều trị Đái tháo đường thai kỳ:

Mục tiêu đường huyết:

- Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

- Đường huyết lúc đói < 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp 3,4 mmol/l.

Dinh dưỡng điều trị:

- Các mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì lượng đường huyết hấp thụ vào cơ thể.

- Ăn sáng đầy đủ: Có thể thử bắt đầu ngày mới với ngũ cốc nguyên hạt, một quả trứng luộc và một hộp sữa chua.

- Uống từ 6~8 ly nước trong ngày.

- Ăn ít tinh bột, đường bởi nhóm thức ăn này có chứa nhiều carbonhydrat sẽ làm đường máu tăng nhanh.

- Mẹ bầu có thể ăn thoải mái các loại rau củ không tinh bột như rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh, cà rốt...

- Thực phẩm giàu protein như thịt lợn, gà, bò.., trứng, đậu và các sản phẩm được chế biến từ sữa.

- Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ: như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp...

- Các thực phẩm kiêng ăn:  Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường đơn có trong thức ăn như bánh mì, bánh ngọt, cơm trắng, xôi, nước ngọt, kẹo...; sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu hướng dương, các loại hạt...; kiêng ăn loại có chứa nhiều chất béo bão hòa như: xúc xích, thịt xông khói.

Điều trị bằng thuốc

- Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi bệnh nhân không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế đơn thuần. Cho đến nay insulin human (nguồn gốc người) là thuốc duy nhất được FDA chấp nhận cho điều trị bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ, như Insulin thường (Insulin Actrapid) và Insulin bán chậm NPH (Insulatard) hoặc Insulin hỗn hợp (Mixtard) giữa Insulin thường và Insulin NPH. Liều trung bình lúc khởi đầu là 0,3 đơn vị/ kg cân nặng/ngày, chia tiêm dưới da 2 - 4 lần mỗi ngày, vào trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

- Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần đo đường huyết 4-6 lần/ngày (vào trước bữa ăn và 2 giờ sau ăn, trước khi đi ngủ). Bệnh nhân cần liên hệ với Bác sỹ ngay nếu thấy kết quả đường huyết cao hoặc thấp bất thường. Chú ý thử xê tôn niệu khi đường huyết không ổn định hoặc khi thai phụ bị nôn nhiều.




Nguyễn Thị Bảo Duy – Khoa KSBT - TTYT Thoại Sơn




Text/HTML

Thông báo


Tìm kiếm

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO