kiến thức y khoa

Phòng chống COVID-19 trong tình hình mới “Chung sống an toàn với dịch bệnh”
[ Cập nhật vào ngày (25/11/2021) ]

Việc các địa phương đang dần quay lại cuộc sống “bình thường mới” cho thấy bước đầu công tác chống dịch đã có được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới” không có nghĩa là người dân được “bung xoã”, thoải mái như trước đây mà phải đảm bảo những điều kiện phòng, chống dịch; kể cả khi người dân có được “thẻ xanh COVID-19” - tức là đã được tiêm hoàn thành hai mũi vắc xin phòng COVID-19.


Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn, mỗi người cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch COVID-19. Bắt đầu từ những việc đơn giản, không tốn chi phí, dễ dàng thực hiện, như: Có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; hạn chế tụ tập nơi đông người; thường xuyên đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tin theo, không phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội... Đặc biệt là việc chấp hành nghiêm những quy định, hướng dẫn của ngành chức năng để không hoang mang, không chủ quan trước mọi diễn biến bất ngờ.

Để thay đổi thói quen cũ không còn phù hợp, hình thành nên những thói quen mới trong thời gian ngắn là điều không dễ. Nhưng trước sự nguy hiểm, khó lường của đại dịch COVID-19, mỗi người phải tự ý thức hơn, tự bảo vệ hơn, tạo nên những thói quen mới để chung sống an toàn với dịch bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay cần phải quán triệt xuyên suốt quan điểm: vắc xin, 5K và áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. “Sống chung với dịch” nhưng với điều kiện khi nó không còn là đại dịch, người dân được tiêm vắc xin và hệ thống y tế đủ năng lực xét nghiệm, điều trị. Đồng thời, người dân phải nhận thức được đây là một loại dịch chúng ta sẽ phải chung sống và tìm các biện pháp để phòng tránh.

Việc có vắc xin phòng COVID-19 chắc chắn sẽ là “tấm lá chắn”, là biện pháp rất quan trọng, bền vững và lâu dài để mở ra nhiều hy vọng trong việc kiểm soát đại dịch. Song đó hoàn toàn không phải và không thể là “thần dược” duy nhất để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm và khó lường như COVID-19. Vì theo các chuyên gia dịch tễ, vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100% và vắc xin ngừa COVID-19 cũng vậy.

Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh không ai mong muốn, nhưng chúng vẫn xảy ra theo cách không ngờ tới. Vì thế, kể cả khi vắc xin phòng COVID-19 là tấm lá chắn cho chúng ta, thì cũng không ai dám chắc sẽ không có những đại dịch khác bùng phát, tấn công con người một cách tương tự.

Vậy nên, vắc xin phòng chống dịch hiệu quả nhất mà ai cũng có thể tự trang bị để đề kháng cho mình là “vắc xin ý thức”! Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan mà phải luôn tuân thủ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Chỉ có vậy, mọi cố gắng nỗ lực của chính phủ, các ngành, các cấp và sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu mới thực sự có ý nghĩa và mang lại những kết quả tốt đẹp.

Ai cũng muốn sớm khôi phục trạng thái bình thường cho xã hội, để còn đi lại, làm việc, học hành, để khỏi mất thu nhập, mất sinh kế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp không chịu đeo khẩu trang, tập trung đông người nơi công cộng, xem thường việc giữ khoảng cách xã hội, bỏ qua yêu cầu rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế gian dối, trốn cách ly, nhập cảnh trái phép…

Dịch bệnh đã và đang khiến cả thế giới phải thay đổi cách sống, cách làm việc. Nếu mỗi người, mỗi nhà cùng chung tay góp sức, chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.




Hoàng Thị Thúy Kiều Em – Tổ TTGDSK - TTYT huyện Thoại Sơn




Text/HTML

Thông báo


Tìm kiếm

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO